Kỹ thuật trồng táo trong sản xuất chuẩn VIETGAP

Táo (táo ta, táo gai) có tên khoa học (Ziziphus mauritiana), là cây ăn quả nhiệt đới, nguồn gốc châu Phi. Táo ta quả nhỏ, chỉ có một hạt rất rắn, hai tai lá biến thành gai. Táo là loại cây trồng thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, sau một năm bắt đầu cho thu hoạch, năng suất cao và ổn định.

1. Giới thiệu một số giống táo

Táo xanh Ninh Thuận có vị giòn ngon cho quả to.

Ở nước ta có nhiều giống táo như táo chua, táo Gia Lộc, táo gió Ninh Thuận, táo Thái Lan quả dài, táo Thái Lan quả tròn, táo ngọt H12, táo Xuân 21,…

  • Táo Gia Lộc: trái hình xoan có vị ngọt, chín màu vàng đẹp, khỏang 40 -45 trái/kg, năng suất cao.
  • Táo chua: Trái hình cầu hoặc hình trái xoan, trái nhỏ khỏang 90 – 100 tar1i/kg, khi chín có mùi thơm, sức chống chịu tốt nên thường được dùng làm gốc ghép.
  • Táo Thái Lan: 2 giống quả tròn và giống quả dài, các giống táo này trái to, vị chua ngọt.
  • Táo H12 Quả thường có hình cầu tròn, trái non có màu xanh đậm, khi chín có màu vàng nhạt, ăn giòn, vị ngọt đậm và thơm mùi lê. Trọng lượng quả 20 – 25gr, trung bình 40 – 50 quả/ kilogam. Một cây cây 4 – 5 tuổi có thể đạt được năng suất 80 – 150 kilogam quả.
  • Táo Xuân 21 là giống táo mới do Viện Sinh học, trường Đại học Nông nghiệp I lựa chọn và thuần hóa từ giống thanh táo của Đài Loan nhập nội năm 1998/ Cây vươn dài, lóng dài, lá lớn, nách lá không có gai, thuận lợi cho việc thu hái, chăm sóc. Quả thường có dạng trái xoan, khi chín có màu trắng xanh, ăn giòn, ngọt nhẹ, có hương thơm ngon. Có thể có thể thu hoạch hai vụ trong năm, vụ đầu chín vào tháng 9, tháng 10, vụ sau (vụ chính) chín vào cuối tháng 1 đầu tháng 2 (vào đợt tết Nguyên đán, nên thường bán được giá đắt ).

Táo có thể nhân giống bằng hạt, cắm hom, chồi rễ, chiết và ghép. Nhân giống bằng hạt biến dị nhiều nên hiện chỉ dùng làm gốc ghép. Các phương pháp cắm hom, dùng chồi rễ hoặc chiết còn dùng nhưng ít. Phổ biến hiện nay là phương pháp ghép mắt và ghép áp. Nên dùng táo chua làm gốc ghép. Hạt trước khi gieo nên đập loại bỏ vỏ rắn ở ngoài để mau nẩy mầm. Gieo hạt vào bầu ny lon, sau khoảng 6 tháng là cây có thể ghép được. Mắt ghép lấy ở cành bánh tẻ, vỏ còn màu đỏ. 

Nếu sản xuất nhiều có thể trồng riêng một vườn táo để lấy mắt ghép. Nếu ghép áp thì dùng gốc ghép ương trong bầu, cắt cụt ngọn cách gốc khoảng 20 – 30cm vót thành hình nêm rồi luồn vào một lát cắt xiên trên cành ghép cho vừa khít, dùng dây quấn chặt lại, sau khoảng 15 – 20 ngày thì liền vỏ. Chỉ cần trên cành ghép có một mắt với một lá là ghép được với một bầu gốc ghép, vì vậy 1 cành ghép có thể buộc nhiều gốc ghép. Sau khi ghép 2 – 3 tháng là có thể cắt đi trồng, cộng lại từ khi gieo hạt đến khi trồng chỉ 5 – 6 tháng. Phải chăm sóc tốt cây ghép trước khi trồng.

2. Kỹ thuật trồng

Thời vụ: Thời vụ trồng tốt là cuối mùa mưa, nên trồng tháng 11 – 12 vì lúc này trời ấm, sang mùa Xuân năm sau cây phát triển nhanh. Trồng vào đầu mùa Xuân cũng tốt. 

Chuẩn bị đất trồng: Khi trồng trên liếp đào hố 40 x 40 x 40 cm trước khi trồng khoảng một tháng. Sau đó bón phân cho mỗi hố 1kg phân hữu cơ sinh học Better HG01, 1 kg super lân và 0,2 kg Better NPK 16-12-8-11+TE, đắp mô rộng 60 – 80 cm, cao 20 – 30 cm.

Khoảng cách trồng: Có thể trồng với các khoảng cách là 40 x 40 cm, 40 x 50 cm, nhưng thích hợp nhất nên trồng khoảng cách 40 x 50 cm.

3. Bón phân chăm sóc

Cách trồng và chăm sóc cây táo.

Bón phân: Cây 1 năm tuổi: Bón cho mỗi cây 2 kg phân hữu cơ sinh học Better HG01, 0,1 kg super lân, 0,4 kg Better NPK 16-12-8-11+TE. Chia đều bốn lần bón trong năm, mỗi lần cách nhau hai tháng sau khi trồng. 

Cây 2 năm tuổi trở lên: bón cho mỗi cây 1 kg Better NPK 12-12-17-8+TE, chia đều bốn lần bón vào các tháng 1,3,5,7,…mỗi lần 0,25kg. Sau khi thu họach vụ trước khỏang 5 – 7 ngày tiến hành đốn tái sinh kết hợp bón thêm 1 – 2kg phân hữu cơ sinh học Better HG01 cho mỗi cây. Khi bón nên đào rãnh hoặc đào hốc xung quanh tán cây bón phân và lấp đất lại.

Chăm sóc:

  • Tưới nước: cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.
  • Cắt bỏ cành bị sâu bệnh, cành dưới tán, sau đó quét vôi. Có thể đốn tái sinh để rải vụ thu họach, nhưng cần tránh đốn vào mùa mưa.
  • Nên trồng xen một số lọai cây rau màu, đậu (đỗ) khi đốn tái sinh cây táo để tăng thu nhập và hạn chế bớt cỏ dại.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis): Ruồi trưởng thành có màu nâu lợt, đẻ trứng vào vỏ trái táo khi sắp chín, trứng nở thành dòi đục vào bên trong thịt trái và sẽ làm nhộng trong đất.

Biện pháp phòng trị: Nên thu họach trái sớm trước khi chín. Thu gom và tiêu hủy trái bị nhiễm. Chỉ được sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ

Rệp sáp: Gây hại bằng cách chích hút trên các đọt non, cuống hoa, cuống tar1i non làm cho đầu cành bị quăn queo, không phatù triển, hoa và trái bị rụng.

Biện pháp phòng trị: Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để trừ và rải Regent dưới gốc để diệt và đuổi kiến.

Bệnh thối nhũn trái (do nấm Penicillium expansum): Trái bị bệnh có vùng nhạt màu, mềm, sũng nước, bốc mùi hôi mốc rất mạnh. Vùng thối lan nhanh, làm trái bị nhũn ra.

Biện pháp phòng trị: Tránh làm xây xát trái khi thu hoạch, lọai bỏ trái bị bệnh.

5. Thu hoạch

Trái chín sẽ có da láng, chuyển sang màu nhạt hơn và có màu sáng, có mùi thơm.

Từ khi ra hoa đến khi thu họach khoảng 4 tháng. Trái chín sẽ có da láng, chuyển sang màu nhạt hơn và có màu sáng, có mùi thơm. Có thể chia ra thu họach thành nhiều đợt do trái chín không tập trung.

Sau khi thu hoạch, vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 ở các tỉnh phía Bắc; phía Nam đốn 2 lần/năm (lần 1 vào tháng 2 – 3, lần 2 vào tháng 9 – 10). Cách đốn, táo 1 tuổi cắt cành ghép chính 20 – 25cm kết hợp với tạo tán; táo 2 tuổi đốn thấp 40cm để lại 3 cành chính thế chân kiềng; táo 3 tuổi trở lên đốn đuổi cách vết đốn năm trước 15 – 20cm. Đốn cành tạo tán làm cho cây trẻ lại để vụ sau ra hoa kết quả nhiều hơn.

6. Một số yêu cầu chung trong sản xuất VIETGAP

Chọn vùng sản xuất: Vùng sản xuất cây ăn quả áp dụng theo VietGAP phải được khảo sát, đánh giá, lựa chọn phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với những quy định của nhà nước về mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường về hoá học, sinh học và vật lý lên cây ăn quả. Không được sản xuất cây ăn quả theo VietGAP ở những vùng bị ô nhiễm hoặc có mối nguy cơ ô nhiễm hoá học, sinh học, vật lý, hoặc trước khi trồng cần có biện pháp xử lý để quản lý rủi ro.

Quản lý giống và gốc ghép:  Giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất. Trong trường hợp tự sản xuất phải có hồ sơ ghi chép đầy đủ họ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân, nguồn gốc, tên của giống, số lô của giống, ngày, tháng, năm sản xuất. Khi cây giống bị sâu bệnh gây hại, phải kịp thời xử lý trước khi đưa ra trồng và cần phải ghi chép kịp thời các biện pháp xử lý trong vườn ươm cây giống. Hồ sơ xử lý những hoá chất bảo vệ thực vật trong vườn ươm cây giống, trong nhà lưới phải được ghi chép kịp thời. Có hồ sơ lưu danh tính nhà cung cấp giống cây và ngày tháng mua.

Quản lý đất và giá thể: Phải được xác định loại đất cho mỗi vùng đất dựa trên bản đồ đất của khu vực trồng. Tiến hành đánh giá nguy cơ ô nhiễm hoá chất khó phân huỷ tại vùng sản xuất trước khi trồng. Nếu thấy nguy cơ cao thì phải kiểm tra, phân tích mức dư lượng trong đất. Tiến hành phân tích đất và giá thể định kỳ, nhằm đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất và vườn ươm. Khi xử lý các nguy cơ tiềm ẩn (nếu có) cần phải được ghi chép cập nhật thông tinvà lưu trong hồ sơ về các biện pháp xử lý. Các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây ăn quả được áp dụng phải phù hợp với việc sử dụng trên vùng đất canh tác. Không chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm đất và nguồn nước trong vùng sản xuất cây ăn quả.

Quản lý phân bón: Cần lựa chọn các loại phân bón giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ô nhiễm, các loại phân bón có trong danh mục, được phép sản xuất kinh doanh phù hợp với từng chủng loại cây ăn quả. Không sử dụng phân tươi, chất hữu cơ chưa qua xử lý để bón cho cây ăn quả.

Trong trường hợp cần xử lý chất hữu cơ tại chỗ trước khi gieo trồng, phải có biên bản lưu lại ngày tháng và phương pháp xử lý. Cần đặt và xây dựng bể ủ phân đảm bảo không gây ô nhiễm cho vùng sản xuất và nguồn nước. Nơi chứa, phối trộn phân bón, dụng cụ, trang thiết bị cần phải xây dựng riêng nhằm giảm tối đa nguy cơ ô nhiễm vùng sản xuất.

Định kỳ cần đánh giá nguy cơ ô nhiễm do sử dụng phân bón. Nếu có nguy cơ ô nhiễm cần có ngay các biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm lên vùng trồng cây ăn quả. Việc phân tích, đánh giá, xử lý nguy cơ ô nhiễm phải được ghi chép đầy đủ và lưu hồ sơ quản lý. Lưu giữ hồ sơ phân bón khi mua và khi sử dụng (ghi rõ nguồn gốc, tên sản phẩm, thời gian bón, địa điểm, liều lượng, phương pháp bón, tên người bón).

Nước tưới:  Nước tưới cho cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP phải đảm bảo tiêu chuẩn chung, không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc, gia cầm, nước phân tươi, nước giải chưa qua xử lý. Trong trường hợp phải phân tích nước để đánh giá nguy cơ ô nhiễm, cần kiểm tra định kỳ, tuỳ theo điều kiện tác động tới hệ thống cấp nước và hoạt động sản xuất, đồng thời lưu lại kết quả kiểm tra.

Định kỳ đánh giá nguy cơ ô nhiễm nguồn nước tại vùng sản xuất (nguồn nước, chất lượng nước,….). Ghi chép kết quả đánh giá, phương pháp xử lý và lưu trong hồ sơ.

Quản lý hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật:  Tất cả những sản phẩm bảo vệ thực vật đều phải được đăng ký chính thức, được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, được cập nhật lưu hồ sơ hàng năm, có người quản lý và chịu trách nhiệm chính.

Tập huấn về phương pháp sử dụng thuốc bảo về thực vật và an toàn trong sử dụng cho các tổ chức, các hộ nông dân sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP.  Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong các danh mục đã được quy định. Theo đúng hướng dẫn được ghi trên bao bì, nhãn mác của nhà sản xuất.

Hoá chất phải được sử dụng đúng trên các đối tượng của cây trồng (theo hướng dẫn trên bao bì hoặc từ các phát hành của các cơ quan có thẩm quyền). Kho chứa hoá chất cần đảm bảo theo quy định, thoáng mát, an toàn, có nội quy quản lý và sử dụng. Các loại hoá chất khi mua và sử dụng cần được ghi chép cụ thể từng vụ, năm (vùng sản xuất, tên hoá chất, thời gian, liều lượng, ngày mua, người sử dụng…) và được lưu giữ hồ sơ.

Những vỏ bao bì, thùng chứa phải được thu gom, cất giữ ở nơi quy định. Không tái sử dụng các bao bì và thùng chứa hoá chất.

Kiểm tra định kỳ, thường xuyên việc thực hiện quy trình sản xuất và dư lượng háo chất trong quả theo yêu cầu của khách hàng. Nếu phát hiện dư lượng hoá chất trong sản phẩm vượt quá mức cho phép phải dừng ngay việc thu hoạch, mua bán và tìm các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc:  Các tổ chức và cá nhân sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phải ghi chép, lưu trữ đầy đủ nhật ký sản xuất, bảo vệ thực vật, phân bón, tiêu thụ sản phẩm… Hồ sơ phải được xây dựng chi tiết theo các bước thực hành VietGAP và lưu trữ tại cơ sở sản xuất. Thời gian lưu trữ ít nhất hai năm hoặc lâu hơn nếu có yêu câu của các cơ quan quản lý và khách hàng.

Bao bì, thùng chứa sản phẩm quả cần có nhãn mác để khi cần có thể truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

Bên cạnh việc hướng dẫn chăm sóc và trồng táo ngon, chúng tôi còn cung cấp một số sản phẩm từ quả Táo đã chế biến như Táo sấy dẻo Phan Rang.

Liên hệ đặt hàng:

CÔNG TY TNHH DALAVI

Kỹ thuật trồng táo trong sản xuất chuẩn VIETGAP