Thung lũng hồng mùa thu

Mùa thu ở thung lũng hồng trên núi cao mở ra bằng cảnh sắc tuyệt đẹp của những tán hồng xanh mướt mắt, dưới ánh nắng nhẹ nhàng buổi sớm. Những trái hồng non, còn nhỏ và xanh, ẩn hiện trong tán lá, như những viên ngọc quý hiếm. Khi thời gian trôi qua, những trái hồng dần chuyển màu, trở nên căng mọng và ngọt ngào hơn. Đến cuối mùa, khắp núi đồi rực rỡ bởi những quả hồng chín mọng, đỏ tươi, tạo nên một khung cảnh thơ mộng và quyến rũ không thể tả xiết.

Những tín hiệu của mùa thu trên cao

Nếu ở Hà Nội mùa thu được báo hiệu bằng hương của cốm non, của hoa sữa thì mùa thu ở thị trấn cổ D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng được báo hiệu bằng những quả hồng.

Mùa thu về trên những cành hồng trĩu quả.

Tháng 8, chạm ngõ thu, quả hồng xanh bắt đầu lấp ló trên cành, phác thảo nên bức tranh thu yên ả nơi phố núi. Tháng 9, hồng bắt đầu rộ lên, những cành hồng trĩu quả. Lúc này, quả hồng đã có kích thước lớn hơn, những trái hồng da xanh, da vàng chen chúc nhau trên cành, vui mắt và đầm ấm lắm. Tháng 10, trên các cành giăng mắc quả hồng chín đỏ, tươi mọng, nhìn như thiếu nữ đang ở độ rực rỡ nhất của xuân thì.

Nhưng mùa hồng đẹp nhất phải là thời điểm cuối thu, tầm vào cuối tháng 10 cho đến cuối tháng 11. Khi ấy, lá hồng bắt đầu chuyển sang màu vàng đỏ và rụng dần. Những quả hồng còn sót lại sau hai tháng thu hoạch, giờ đây đồng loạt chín đỏ. Trên những cây hồng trụi lá chỉ còn trơ cành già cỗi, những trái hồng đỏ mọng rực rỡ được thắp lên, một bức tranh tương phản tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật. Cả một thung lũng toàn cây hồng, thung lũng ấy dường như đang được quả hồng thắp lên những ngọn lửa ấm áp ngày cuối thu, đầu đông.

Tương ứng với từng thời điểm, thì người nông dân sẽ có những cách “xử lý” quả hồng để cho ra đời những sản phẩm từ hồng ngọt ngào, đi khắp cả nước. Tháng 9, những quả hồng có hình dạng như chiếc bát, được gọi là hồng Chín Nên được thu hoạch hàng loạt. Sau đó, người dân ủ hồng giòn bằng hai phương pháp: Ngâm vào vôi thực phẩm hoặc bỏ túi bóng lót giấy báo. Chỉ từ 4 – 5 ngày, những quả hồng còn xanh, vị chát đậm đã biến thành những trái hồng ngâm giòn rụm, ngọt ngào.

Tháng 10 là tới mùa hồng chín. Và các lò sấy ở D’ran bắt đầu “nổi lửa”. Cho đến nay, mặc dù cung cấp sản lượng hồng sấy lớn nhất trên cả nước, nhưng người dân D’ran hầu hết vẫn dùng đến lò sấy củi thủ công, tức sấy bằng than củi, cho ra đời sản phẩm bao giờ cũng tuyệt vời, khi vị dẻo ngọt của trái hồng hòa quyện với mùi thoang thoảng của củi lửa ấm áp. Có lẽ vì thế mà hồng sấy xứ D’ran luôn được chuộng trong nước lẫn ngoài nước.

Những quả hồng ngon đầu mùa.

Bây giờ là tháng 10. D’ran đang bước vào mùa đẹp nhất năm với những trái hồng chín đỏ rải rác khắp thung lũng, những trái hồng giòn rụm ngọt ngào, với những buổi bình minh nắng đẹp và làn sương chiều bao phủ. Du khách phương xa những ngày này cũng lũ lượt đổ về thị trấn cổ để được ngắm nghía, dạo chơi trong các vườn hồng. Nào chụp hình “check in”, nào trải nghiệm hái hồng chín ăn tại vườn, hoặc hái hồng xanh đi ủ giòn, để rồi khi ra về còn vương vấn mãi với những hình ảnh nên thơ nơi xứ núi.

Những năm gần đây, ý thức được giá trị của cây hồng trong du lịch, nhiều người dân xứ D’ran đã biến mùa hồng thành mùa du lịch rộn ràng nhất năm. Ngoài những vườn hồng của người nông dân dùng để thu hoạch, thì mùa hồng chín, ở D’ran có một số vườn hồng nổi tiếng để du khách viếng thăm như vườn hồng chuẩn VietGap Nhà Xứ D’ran của anh Nguyễn Hữu Trí, vườn hồng hữu cơ của anh Trần Minh Tiến…

Cạnh đó, thời gian qua, D’ran bắt đầu xuất hiện những khu homestay, farmstay có kiến trúc đẹp, gần gũi thiên nhiên, sở hữu những vườn hồng mênh mông, đang là điểm đến yêu thích của du khách. Anh Vũ Hoàng, người điều hành Bản Yên, một farm xinh đẹp gần 1ha với cây trồng chủ yếu là cây hồng chia sẻ: “Sản lượng hồng trong vườn Bản Yên tầm hơn 1 tấn với các giống hồng chất lượng, nhiều thương lái đã đề nghị thu mua hồng của chúng tôi với giá cao. Tuy nhiên, Bản Yên hướng về du lịch trải nghiệm nên không bán hồng lấy trái, chủ yếu để quả hồng lại trên cây cho khách đến trải nghiệm trực tiếp, có quà mang về. Mùa hồng năm nay, cứ cuối tuần là chúng tôi sử dụng hết 100% công suất phòng, thời điểm giữa tuần là 60 – 70% công suất. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy mùa hồng D’ran đã bắt đầu nổi tiếng với du khách gần xa”.

“Trả lại tên” cho trái hồng

Nhiều năm trước, khi nhắc đến quả hồng, người ta thường gắn với địa danh “Đà Lạt”. Đà Lạt, vùng đất cao nguyên xinh đẹp, nổi tiếng về du lịch cũng sở hữu khá nhiều vườn hồng. Tuy nhiên, nếu tính về sản lượng và chất lượng thì có lẽ D’ran phải thuộc vào hàng đầu cả nước. Cây hồng được người Pháp đưa vào trồng ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20, cực kì thích hợp với vùng cao nguyên mát mẻ quanh năm. Và D’ran, vùng thung lũng eo gió tiếp giáp giữa Cầu Đất và Phan Rang trở thành xứ sở lý tưởng nhất cho cây hồng sinh sống, cho ra sản lượng lớn, trái hồng ngọt ngon.

Ở D’ran, hầu như mỗi nhà, mỗi khu vườn đều có từ một vài đến vài trăm gốc hồng. Từ trên cao nhìn xuống, cả một thung lũng hồng tuyệt đẹp chuyển mình qua từng tháng của mùa thu. Thế nên, D’ran từ bấy nay vẫn được gọi là “thung lũng hồng” hoặc “thủ phủ của cây hồng”.

Tuy nhiên, nhiều năm dài, người dân D’ran chỉ quan tâm đến sản lượng mà “quên” chú trọng việc đưa tên tuổi quả hồng D’ran vươn xa. Ngày nay, thế hệ trẻ D’ran, từ lãnh đạo địa phương cho đến các bạn trẻ làm du lịch đang rất để tâm đến việc “trả lại tên” cho quả hồng D’ran.

Những chiếc nến thơm vẽ quả hồng D’ran của Ánh Dung. (Ảnh: Phương Uyên)

Châu Phạm, 33 tuổi, với nick name “Xanh Ban Mai” là một mẹ đơn thân khá có tiếng trong cộng đồng mạng. Những năm qua, Châu Phạm đã có nhiều nỗ lực đem thương hiệu hồng D’ran lan tỏa. Châu chọn lựa những quả hồng D’ran chất lượng, trang trí đẹp bán theo set làm quà, cô cũng là một trong những người đầu tiên tạo ra trend “hồng cắm nguyên cành” được yêu thích.

Châu Phạm chia sẻ: “Hơn mười năm trước, trong giấc mơ đứa con gái tuổi 20, thì bên ngoài là chân trời rực rỡ. Mình có thời gian ra Hà Nội sống, làm việc. Bốn mùa xứ Bắc quay nhanh, vội vã và người ta cứ tranh nhau đi kiếm tìm những cái đặc trưng của từng mùa. Cũng đã từng theo chân các anh chị đi ngắm hoa mùa thu, ăn trái hồng Bắc vội vàng cho kịp mùa. Sau đó, mới giật mình nhận ra, bản thân đã bỏ một D’ran xinh đẹp, một quê hương rất nhiều thứ hay ho, đẹp đẽ. Và mình muốn về, giới thiệu D’ran tới với nhiều người hơn. Suốt 10 năm, vừa kinh doanh kiếm sống, vừa tìm hiểu thêm về quê hương, mình đã cố gắng từng bước định vị trong lòng khách hàng về thủ phủ hồng D’ran – đặc sản hồng D’ran”.

Miệt mài thực hiện những album về D’ran xinh đẹp trong mùa hồng, Uyên Phương, cô gái trẻ 29 tuổi, admin nhóm “Review Đơn Dương toàn tập” chính là một trong những người trẻ nổi tiếng với nỗ lực quảng bá cho du lịch D’ran. Uyên Phương cũng đang rất tâm huyết với việc định danh thương hiệu hồng D’ran trên cả nước. Từ đầu thu đến nay, những tấm ảnh tuyệt đẹp chụp mùa hồng chín xứ D’ran của Uyên Phương trở nên rất nổi tiếng, được nhiều trang mạng chia sẻ.

Hay Ánh Dung, cô gái 29 tuổi sau nhiều năm sống ở Sài Gòn, nay trở về D’ran đã dùng nghệ thuật để lan tỏa thương hiệu quả hồng nơi đây. Ánh Dung làm nến thơm thủ công và dùng chất liệu acrylic để vẽ hình quả hồng chín mọng lên những chiếc nến. Sản phẩm ra mắt chưa bao lâu, nhưng đã được cộng đồng ủng hộ nhiệt liệt vì những chiếc nến quá xinh xắn và nhiều ý nghĩa.

Hồng đầu mùa là loại hồng Chín Nên – vị ngọt, giòn, xốp.

Cây hồng có một sức sống mãnh liệt, không cần chăm bón khổ công, cũng không ngại nắng mưa, sương giá. Cây hồng vừa đem lại sản lượng cao, vừa mang hình ảnh nên thơ. Thật may mắn cho xứ D’ran nhỏ bé vì sở hữu những cây hồng tuyệt đẹp và những người trẻ có tâm hồn nhiệt thành như thế.

Theo ông Đinh Văn Hoàng, Chủ tịch thị trấn D’ran, hiện diện tích trồng hồng ở D’ran là gần 1.000 ha, về sản lượng, cứ mỗi một ha cho ra năng suất từ 4 – 5 tấn. Hồng ở D’ran có hàng chục loại, nhưng phổ biến nhất là 3 loại chất lượng: Hồng trứng, hồng vuông và hồng giòn.

D’ran là một thị trấn sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, trong đó xác định cây lâu năm như hồng, cà phê là cây trồng chủ lực. Do đó, việc phát triển cây hồng là cây trồng chính đem lại nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương. Thời gian tới, địa phương sẽ có nhiều giải pháp để thay thế những cây hồng già cỗi, có năng suất thấp sang cây hồng giống mới, năng suất, sản lượng cao hơn. Đồng thời địa phương cũng hỗ trợ người dân các phương pháp phát triển cây trồng, khuyến khích mô hình canh tác sạch, đạt chuẩn. Cạnh đó, địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp dựa trên mô hình sinh thái sẵn có.

Theo: baophapluat.vn

Liên hệ đặt hàng:

CÔNG TY TNHH DALAVI

Thung lũng hồng mùa thu